Mô tả
Công trình nghiên cứu này được thực hiện với ba mục tiêu chính sau đây:
- Tìm hiểu, phân loại và nhận diện ra được những mô thức ứng xử kinh tế khác nhau nơi các tầng lớp nông hộ trong các cộng đồng làng xã ở châu thổ sông Cửu Long. Và lý giải tính chất và ý nghĩa của những mô thức ứng xử ấy trong bối cảnh nền kinh tế thị trường của châu thổ này.
- Xác định những nhân tố chi phối những mô thức ứng xử này trong điều kiện kinh tế-xã hội ngày nay.
- Việc phác họa một bức tranh khái quát về các đặc trưng ứng xử kinh tế được tiến hành nhằm đi đến chỗ kiến giải một số hàm ý chính sách liên quan tới động lực của sự phát triển cũng như những điều kiện kinh tế-xã hội và những khuôn khổ chính sách và luật pháp cần thiết trước yêu cầu phát triển nông thôn vùng châu thổ này trong những năm sắp đến.
Dựa trên việc phân tích các dữ liệu khảo sát vào cuối năm 2014, chúng tôi đã đi đến chỗ nhận diện ra được ba nhóm nông hộ thuộc ba mô thức ứng xử kinh tế khác nhau: (nhóm a) mô thức mưu lợi, nhưng tránh rủi ro (chiếm 38%, nông hộ), (nhóm b) mô thức mưu lợi (34%) và nhóm (c) mô thức hướng đến đầu tư (27%).
Vai trò xã hội của những người chủ nông hộ sản xuất giỏi và có óc đầu tư (nhóm c) không chỉ quan trọng do vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm làm nông của họ, mà còn do vị thế và uy tín của họ trong các mạng lưới xã hội ở nông thôn. Những người sản xuất giỏi và có uy tín này không chỉ là những người đóng vai cầu nối giữa nhà khoa học, tổ chức khuyến nông, chính quyền địa phương với cộng đồng nông dân ở xã ấp, mà còn là những chủ thể xã hội hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính quyết định, đối với nền kinh tế nông nghiệp tương lai của vùng châu thổ sông Cửu Long.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.