LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG MẮC VÀO BẪY “ĐỒ VẬT HOÁ?”
Trong Tips 6 này chúng tôi sẽ trình bày những thảo luận của người tham gia buổi Café học thuật và câu trả lời của PGS.TS Trần Hữu Quang về câu hỏi liên quan đến khái niệm “đồ vật hóa” được nói đến trong Tip 5. Người hỏi: Ông đã nói phải phân biệt được hai kích thước của một khái niệm là quan hệ xã hội và quá trình xã hội. Nhưng ông cũng lưu ý là nên cẩn thận, vì nếu không sẽ dễ mắc phải cái bẫy “đồ vật hóa đối tượng”. Tôi thấy ở đây có một sự mâu thuẫn, khi mình cố xác định một khái niệm cụ thể cho đề tài, nhưng khái niệm luôn biến đổi, thì làm cách nào để giới hạn khái niệm và khảo sát theo khái niệm đó? PGS.TS Trần Hữu Quang: Xin mời các anh các chị cùng trao đổi, thảo luận câu hỏi này. Người thảo luận: Tôi thấy bạn đang hiểu sai cách diễn giả (PGS.TS Trần Hữu Quang) nói về khái niệm. Như khái niệm về văn hóa sẽ có rất nhiều khái niệm của các tác giả. Làm đề tài về vấn đề liên quan đến văn hóa, chúng ta có thể tham khảo những ý kiến về văn hóa của các nhà nghiên cứu khác đồng thời có thể đưa ra khái niệm về văn hóa theo cách chúng ta hiểu về vấn đề mình đang quan tâm. Chúng ta không phải bê nguyên khái niệm văn hóa của một tác giả nào đó để làm cái khung cho khía cạnh nghiên cứu của mình, điều đó làm cho chúng ta không còn tập trung vào cái hướng mà mình quan tâm. Chúng ta có thể đưa ra khái niệm theo cách mình hiểu, để người khác biết rằng: Theo tôi, có rất nhiều khái niệm nhưng bản thân tôi nghĩ rằng trong đề tài này, tôi hiểu nó như thế này, chứ không phải nhìn với khái niệm của người khác để định hướng cho bài nghiên cứu của tôi. Người hỏi: Vậy khi mình làm song song cả hai việc: một mặt là phải giới hạn lại khái niệm, bởi vì khái niệm quá rộng mình sẽ không biết đi theo hướng nào. Nhưng mặt khác, lại phải đảm bảo khái niệm đó sẽ đi theo hai kích thước, trong đó có kích thước quá trình xã hội. Vậy, nếu khái niệm luôn thay đổi như vậy, mà mình lại nói phải giới hạn, thì sẽ giới hạn bằng cách nào? Và làm sao để tránh cái bẫy “đồ vật hóa đối tượng” khi giới hạn khái niệm? Người thảo luận: Tôi hiểu ý bạn là khi chúng ta nghĩ đến quá trình của khái niệm thì nó luôn luôn biến đổi thì làm sao khái quát lại được. Theo tôi, chúng ta nên giới hạn thời điểm khảo sát thì sẽ khái quát hóa và giới hạn được khái niệm. Người thảo luận: Tôi có ý kiến là mặc dù khái niệm đó có sự biến đổi, nhưng sự biến đổi đó không nhanh chóng. Có nghĩa là không phải bạn mới ra đề tài đó là nó đã biến đổi ngay, mà nó là một quá trình rất lâu dài....