
“Chủ nghĩa thực dân đã kết thúc nhưng tính chất của nó vẫn được duy trì”. Đây là lời phát biểu của TS. Nguyễn Thu Giang trong bài giảng “Chủ nghĩa thực dân về dữ liệu” được tổ chức bởi Viện Goethe phối hợp với Viện Social Life vào tối ngày 12/06. Hai khách mời đã dùng ví dụ về Google và Trung Quốc để minh họa rõ hơn cho câu nói của mình: Google thu thập khoảng 1MB dữ liệu người dùng cứ sau mỗi 12 giờ, hay Trung Quốc dùng hệ thống tín dụng xã hội để định nghĩa thế nào là một công dân tốt.
Trong kỷ nguyên số, con người có thể tượng trưng bằng các chuỗi dữ liệu, bởi các kết nối của họ và những hoạt động hay công việc hàng ngày đều có thể mã hóa dưới dạng dữ liệu. Cụ thể hơn, định lượng hóa xã hội đang trở thành một ngành sản xuất, bao gồm ba nhóm tổ chức chính: các nhà sản xuất thiết bị kỹ thuật số nhằm phục vụ kết nối con người (Facebook, Google, etc.); các nhà môi giới dữ liệu và các tổ chức xử lý dữ liệu (Acxiom, Equifax, etc.); các tổ chức/ cơ quan phụ thuộc vào dữ liệu lấy từ đời sống xã hội để hoạt động (các tổ chức chính trị, các dịch vụ kỹ thuật số, etc.). Hiện tại, bản thân chúng ta không còn bị đô hộ về mặt vật lý bởi các đế quốc nhưng bị thực dân hóa về thông tin bởi các tập đoàn công nghệ lớn. Bài giảng nêu ra bốn đặc điểm chính của chủ nghĩa thực dân dữ liệu:
Thuộc địa hóa tài nguyên: chuyển đổi trực tiếp thế giới (cuộc sống, trải nghiệm con người) thành vốn.
Thực dân hóa các mối quan hệ xã hội
Tập đoàn thực dân mới: định lượng hóa xã hội như một ngành sản xuất mới.
Hệ tư tưởng thực dân mới.
Viện Social Life tin rằng bài giảng số 08 đã phần nào giúp các bạn hiểu được sự tích hợp giữa kỹ thuật số với đời sống xã hội. Thông qua phần Q&A, các bạn cũng phần nào được giải đáp thắc mắc của mình về những khái niệm lý thuyết học thuật phức tạp. Mỗi người tham gia đã lắng nghe và đóng góp thêm vào bức tranh tổng thể của kỷ nguyên số.
Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn đến hơn 150 bạn tham dự và những người cùng đồng hành trong buổi sự kiện lần này. Mong rằng các bạn sẽ cùng đăng ký với Viện Social Life tham gia những bài giảng sau nữa nhé!